Ngoài tiền, người tố cáo tham nhũng cần được bảo vệ

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng việc thưởng và việc bảo vệ người tố cáo đều hết sức cần thiết. Không thể so sánh giữa việc thưởng tiền và việc bảo vệ, cái nào quan trọng hơn bởi cả 2 cái đều có tác dụng của nó.

Theo Dự thảo liên bộ của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ về khen thưởng cá nhân tố cáo tham nhũng, người giúp nhà nước thu hồi được 1.000 tỷ đồng có thể được thưởng 5 tỷ đồng.

Ngoài tiền, người tố cáo tham nhũng cần được bảo vệ - 1

Ông Lê Nam – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Người lao động

Hết sức ủng hộ chủ trương này, ông Lê Nam – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng đó là giải pháp tốt, cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả của việc phòng chống tham nhũng.

Ông nghĩ sao về con số 5 tỷ đồng mà người tố cáo tham nhũng có thể được hưởng nếu giúp nhà nước thu hồi 1.000 tỷ đồng?

Hiện có rất nhiều cách thức để lôi cuốn, vận động người dân cùng đấu tranh phòng chống tham nhũng mà chuyện thưởng tiền cho họ như trên là một trong số đó. Thời gian qua, hầu hết các vụ tham nhũng bị lật tẩy chủ yếu nhờ phát giác của người dân, các cơ quan báo chí hay những cơ quan ngoài nơi diễn ra các vụ việc tham nhũng.

Việc phát hiện, tố giác các vụ tham nhũng từ phía các cơ quan chức năng cũng có, nhưng rõ ràng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của người dân trong việc này. Do vậy, tôi cho rằng đề xuất cách thức thưởng cho người phát hiện ra việc tham nhũng là cần thiết và nên làm.

Đó không phải là cách làm mới. Ở Thanh Hóa thì chưa triển khai việc thưởng tiền cho người tố cáo tham nhũng, nhưng tôi thấy báo chí đưa tin nhiều địa phương đã và đang thực hiện rồi. Tôi cho rằng đó là việc nên làm, nhưng cách thức và mức thưởng ra sao thì cần phải tính toán cẩn thận.

Về cách thức và mức thưởng cho người tố cáo tham nhũng, ông có đề xuất gì không? Chúng ta có nên học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài?

Các nước trên thế giới đã tổng kết, rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm chung về cách thức chống tham nhũng cũng như cách thưởng cho người có công tố cáo tham nhũng. Chúng ta cũng đã học hỏi nhiều kinh nghiệm từ nước ngoài chẳng hạn việc công khai, minh bạch khối tài sản của cán bộ, công – viên chức kể cả những người đã về hưu. Nếu làm tốt công tác này hơn nữa, việc chống tham nhũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Mới đây, khi thảo luận về luật nhà ở, Quốc hội đã đưa ra một nội dung rất quan trọng đó là vấn đề nhà công vụ. Hiện việc quản lý nhà công vụ của chúng ta đang không rõ ràng cả về đối tượng được ở nhà công vụ tới thời gian ở…

Cũng cần công khai, minh bạch cả trong việc tranh cử vào các chức vụ của Nhà nước. Đó cũng là cơ hội tốt để người dân phát hiện xem người đang ứng cử vào vị trí nào đó có tham nhũng hay không.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các cơ quan báo chí, người dân tham gia vào việc đấu tranh chống tham nhũng ở các cấp chính quyền.

Ngoài tiền, người tố cáo tham nhũng cần được bảo vệ - 2

Không thể so sánh giữa việc thưởng tiền và việc bảo vệ người tố cáo, cái nào quan trọng hơn. Ảnh minh họa

Như ông đã nói ở trên, từ trước đến nay hầu hết các vụ việc tham nhũng do người dân hoặc cơ quan báo chí phát hiện ra. Lẽ nào các cơ quan phòng chống tham nhũng của ta chưa phát huy tốt hiệu quả?

Rõ ràng các cơ quan chống tham nhũng cũng chưa thể hiện, chứng minh được sự nỗ lực hết mình của họ. Cộng thêm cơ chế, thể chế chưa rõ ràng của chúng ta nên hiệu quả của việc chống tham nhũng chưa cao.

Theo đánh giá của Đảng, tình trạng tham nhũng ở Việt Nam ngày càng nghiêm trọng và sẽ kéo dài. Chúng ta chưa đẩy mạnh việc phòng chống tham nhũng. Đó là kết luận, khẳng định của Đảng. Nghị quyết trung ương 4 vừa qua cũng nhấn mạnh vào việc tha hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ đảng viên, tình trạng mất mát, thất thoát ngân sách cũng xảy ra nhiều.

Để xảy ra tình trạng trên, rõ ràng các cơ quan phòng chống tham nhũng nói riêng và bộ máy nhà nước của ta nói chung chưa làm tốt nhiệm vụ nhân dân, Đảng giao phó cho họ.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, nhưng tôi xin nhấn mạnh vào chuyện công khai, minh bạch rồi chuyện cơ chế, thể chế của chúng ta. Nếu chúng ta không nhanh chóng tiếp tục đổi mới cơ chế, không quyết liệt trong việc đổi mới cơ chế quản lý, điều hành thì mình các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng cũng không làm nổi.

Các quy định của luật pháp càng rõ ràng, mạch lạc sẽ càng hạn chế được chuyện tham nhũng.

Có ý kiến cho rằng thay vì tập trung vào việc đề ra mức thưởng cho những người có công tố cáo tham nhũng, chúng ta nên tìm ra các giải pháp tốt hơn để bảo vệ họ bởi mục đích của những người tố cáo tham nhũng không phải là số tiền thưởng đó. Ông có đồng tình với quan điểm trên?

Không phải là như thế. Việc thưởng và việc bảo vệ họ đều hết sức cần thiết. Không thể so sánh giữa việc thưởng tiền và việc bảo vệ, cái nào quan trọng hơn bởi cả 2 cái đều có tác dụng của nó.

Về các biện pháp để bảo vệ người tố cáo tham nhũng, luật pháp đã quy định rất đầy đủ rồi. Vấn đề là chúng ta làm thế nào thôi.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Quân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN