Tai nạn máy bay liên tiếp: "Phần lớn do con người gây ra"

“Thời gian gần đây, người dân phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn máy bay liên tiếp nên thấy sợ, lo lắng. Thực ra, tỷ lệ tai nạn hàng không rất thấp, chỉ chiếm 1/10.000 so với tai nạn ở các loại phương tiện khác".

Sau hàng loạt vụ rơi máy bay vừa qua, nhiều người dân lo ngại về an toàn trên các chuyến bay trong nước và ngoài nước. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Mai Trọng Tuấn (Trung tá phi công Quân đội đã nghỉ hưu) xung quanh vấn đề này.

"Máy bay rơi do sự phá hoại của con người"

Ông Tuấn cho biết, máy bay gặp nạn có thể do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, máy bay rơi thường tập trung ở những nguyên nhân sau: Do máy móc có vấn đề (có thể do chết máy, cháy động cơ, vỡ lốp, không thả được bánh xe khi cất, hạ cánh; người điều khiển ở mặt đất thông báo sai do năng lực kém, không tập trung, bị phân tán); do tổ lái (có thể là xử lý tình huống kém).

Tai nạn máy bay liên tiếp: "Phần lớn do con người gây ra" - 1

Ông Mai Trọng Tuấn: "Cả 3 vụ máy bay rơi (MH370, MH17, AH5017) có thể do sự phá hoại của con người".

Theo ông Tuấn, ở cả ba vụ máy bay rơi (MH370, MH17 của Malaysia và máy bay mang số hiệu AH5017 của hãng hàng không Air Algerie), khả năng do máy móc là không thể. Bởi vì nếu hỏng máy móc thì dù chỉ hỏng 1 động cơ, cũng sẽ được báo về hệ thống điều hành, kiểm soát không lưu. Tổ lái sẽ biết và có cách xử lý kịp thời.

Khả năng do tổ lái bị loại trừ, vì thời điểm bay, máy bay đã ở chế độ bay bằng. Mà chế độ bay bằng thì công suất làm việc của động cơ và người lái giảm xuống rất thấp, thậm chí chỉ còn 40%. Thời điểm dễ xảy ra các vấn đề là khi công xuất 100%.

Khả năng do thời tiết cũng bị loại trừ. Con người có thể dự báo được thời tiết và thông báo cho nhau. Máy bay hiện đại đều có radar và có thể phát hiện ra giông gió để chủ động phòng tránh.

“Do vậy, theo tôi, cả 3 vụ máy bay rơi trên có thể do sự phá hoại của con người. Sự tác động của con người (có chủ đích, hoặc không có chủ đích) như sử dụng: bom, mìn, tên lửa… Sự phá hoại đó ngoài ngành hàng không”, ông Tuấn chia sẻ.

Nói về vụ máy bay của hãng hàng không TransAsia Airway của Đài Loan bị rơi khiến 48 người trên chuyến bay thiệt mạng, ông Tuấn cho rằng, nguyên dân có thể do tổ lái. Trong điều kiện xấu, nếu tổ lái nóng lòng muốn hạ cánh thì rất dễ dẫn đến tai nạn.

“Sai lầm lớn nhất đối với người lái máy bay là tốc độ. Mất tốc độ (thất tốc) thì máy bay rơi. Thêm nữa, độ cao là sự sống. Khi phi công đã đạt đến độ cao nhất định thì thừa sức xử lý, thậm chí buông tay máy bay vẫn bay được. Ở độ cao thấp dễ dẫn đến tai nạn”, ông Tuấn nói.

Về vụ máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia, nhiều người đặt giả thiết máy bay đã bị rơi ở Ấn Độ Dương. Ông Tuấn cho hay, giả thiết đó hoàn toàn mơ hồ. Trong trường hợp tổ lái gặp sự cố thì phải thông báo hoặc có tín hiệu báo về trước khi gặp nạn, nhưng tại thời điểm trước khi mất tích, tổ lái không có thông báo gì.

Tai nạn máy bay liên tiếp: "Phần lớn do con người gây ra" - 2

 Hiện trường máy bay MH17 rơi.

Trùng hợp ngẫu nhiên

Trung tá Tuấn cho biết, trong một thời gian ngắn, người dân phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn hàng không liên tiếp nhau nên thấy sợ, lo lắng. Mặt khác, khi xảy ra tai nạn máy bay, con số thương vong cao, liên quan đến nhiều nước nên người dân quan tâm nhiều.

“Các vụ máy bay xảy ra liên tiếp nên người dân thấy sợ. Thực ra, tỷ lệ tai nạn hàng không rất thấp, chỉ chiếm 1/10.000 so với tai nạn ở các loại phương tiện khác. Tai nạn máy liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng cho hay, người dân không nên nghĩ tai nạn máy bay nhiều hay sợ đi máy bay. Máy bay là phương tiện tối ưu cho con người đi lại trên trái đất này, độ an toàn cao nhất, thiết bị tốt nhất. Hiện tại, mỗi ngày trên bầu trời châu Âu có 24.000 chuyến bay vẫn hoạt động bình thường.

“Theo tôi, để cho người dân yên tâm hơn, ngành hàng không phải kiểm tra lại an toàn hàng không. Đối với những người phục vụ mặt đất phải thực hiện đúng bài bản, quy trình. Người chỉ huy và điều khiển không lưu phải là những người có năng lực, kinh nghiệm. Quy trình bay phải được kiểm soát chặt chẽ, an toàn”, ông Tuấn nói thêm.

Trong thời gian gần 1 tháng, thế giới chứng kiến nhiều vụ máy bay rơi khiến nhiều người thiệt mạng. Đầu tiên là sự mất tích vô cùng bí ẩn của chiếc Boeing 777, mang số hiệu MH370 của Malaysia vào ngày 8/3. Đến nay, người ta vẫn chưa rõ tung tích của chiếc máy bay này và 227 hành khách cùng 12 thành viên phi hành đoàn.

Ngày 17/7, chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines mang số hiệu MH17 bị bắn hạ ở miền đông Ukraine khiến toàn bộ 283 hành khách cùng 15 thành viên phi hành thiệt mạng.

Ngày 23/7, máy bay của hãng hàng không TransAsia Airway của Đài Loan đã bị rơi xuống một khu vực dân cư ở gần sân bay tại đảo Bành Hồ. 48 người trên chuyến bay đã bị thiệt mạng.

Mới đây, ngày 24/7, chiếc máy bay mang số hiệu AH5017 của hãng hàng không Air Algerie chở 116 hành khách bị rơi ở Mali sau nửa ngày mất tích.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN