Nỗi ám ảnh của đứa con tội lỗi

Chỉ đến khi đứng trước vành móng ngựa, bị cáo mới thấm thía tình yêu thương vô bờ của cha ẩn sau những lời la mắng, răn đe…

Phiên tòa xét xử vụ án giết người đối với bị cáo N.P.L (SN 1991, ngụ quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) hôm ấy vắng hoe. Đại diện hợp pháp cho người bị hại và bị cáo đều ngồi chung một hàng ghế. Sau lưng họ là một khoảng trống mênh mông...

Nỗi ám ảnh của đứa con tội lỗi - 1

Bị cáo L. tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TP Đà Nẵng.

Đâm cha 37 nhát dao

Năm 2010, mẹ của L. bỗng mắc chứng tâm thần, không kiểm soát được hành vi, nửa mê nửa tỉnh. Cha L. làm bảo vệ cho một công ty có trụ sở tại quận Liên Chiểu, đồng lương khiêm tốn nên khá chật vật khi phải nuôi vợ và 2 con trai đang tuổi ăn học. Thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của gia đình L., bà N.Đ.M.U, giám đốc công ty nơi cha L. làm bảo vệ, đã dành một phần đất trống để họ trồng trọt, chăn nuôi kiếm thêm thu nhập.

Thấy một mình cha khó kham nổi kinh tế gia đình, L. quyết định bỏ việc học ở trường cao đẳng về nhà trồng ngô, nuôi heo rừng và vịt. Do việc làm ăn không thuận lợi, bị thua lỗ, L. nhiều lần bị cha nặng lời.

Chiều 1/4, L. lại bị cha mắng. Giận cha, L. im lặng bỏ đi cuốc đất. Đang làm việc giữa chừng, hình ảnh về người cha luôn la mắng, trách móc hiện ra khiến nỗi bực tức dâng trào, L. nhặt mấy viên đá, lận 2 con dao đi… giết ông cho hả giận. Ra đến cổng, thấy cha nói chuyện với bà giám đốc công ty, L. vác đá ném vào người ông. Khi cha L. bỏ chạy, anh ta liền đuổi theo, dùng dao đâm liên tiếp cho đến khi ông gục ngã.

Theo kết quả giám định pháp y, nạn nhân bị đâm chết bởi 37 nhát dao, trong đó có nhiều nhát gây thủng phổi, thủng tim.

“Cha thương con nhiều lắm…”

Đến dự phiên tòa, cô ruột L. cho biết sau khi vụ án xảy ra, bệnh tình của mẹ L. càng nặng hơn. “Cô ấy suốt ngày đi lang thang như kẻ không nhà. Nhiều lúc ở ngoài đường, cô ấy xé toạc quần áo đang mặc. Cô ấy đau quá, có mê cũng nhận biết được nỗi đau con giết cha. Gia đình tan nát còn đâu…”- cô ruột của L. nấc nghẹn.

Bà cho biết L. vốn hiền lành, sống lầm lũi, ít nói. Có lẽ vì vậy mà những uất ức trong lòng, L. không biết tâm sự cùng ai, dẫn đến trong phút nông nổi, anh ta đã gây nên tội tày đình. Bà xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt để L. sớm được về hương khói chuộc lỗi với cha và nuôi mẹ tâm thần.

Từ đầu đến cuối phiên tòa, em trai của L. cứ ngồi cúi đầu, câm lặng. Giờ nghị án, một anh cảnh sát dẫn giải bị cáo đến chuyển lời nhắn của L.: “Cố gắng sống tốt, đừng gục ngã vì anh”. Chưa kịp nghe hết câu, người em trai đã òa khóc. “Bây giờ, em không còn giận mà thấy thương anh ấy quá. Chắc anh ấy còn đau hơn em. Làm sao mà chịu được nỗi ám ảnh, dằn vặt khi mà chính tay mình đã giết chết cha?” - em của L. thổn thức.

Dù không được hỏi đến nhưng bà N.Đ.M.U vẫn xin được nói vài lời trước khi HĐXX vào nghị án. Bà U.  trải lòng: “L. ơi, con đừng hiểu lầm cha mình. Ông la mắng không phải vì ghét con mà vì thương con đó”. Theo lời bà U., nhiều lần cha L. tâm sự với bà về chuyện gia đình, nhất là chuyện của L. Ông nhờ bà U. tuyển L. vào làm bảo vệ tại công ty để ổn định cuộc sống rồi cưới vợ, sinh con. “Cha con bảo có vậy ông mới yên lòng được. Ông ấy quan tâm và thương con nhiều nên mới la mắng để con tự rèn luyện nên người đó” - bà nhắn nhủ.

Bà U. vừa nói xong, L. ôm mặt khóc. Có lẽ đến lúc này, L. mới thực sự nhận ra tình thương của cha dành cho mình bao la đến nhường nào. 

Bản án nhân văn

Dù bị cáo có nhiều tình tiết tăng nặng, như: giết người có tính chất côn đồ, giết người sinh ra mình… nhưng HĐXX TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt L. mức án tù chung thân.

Bên lề phiên xử, một thẩm phán tâm sự: “Hành vi của L. rất đáng bị trừng phạt nghiêm khắc bằng bản án tử hình. Tuy nhiên, vụ án xảy ra đã khiến cả gia đình người bị hại lẫn bị cáo rơi vào khốn cùng. Nếu tử hình bị cáo, e là làm tăng thêm nỗi đau đớn, mất mát cho gia đình họ và càng khiến vụ án thêm nặng nề. Chi bằng mở cho bị cáo một lối đi mới để gia đình họ cảm thấy còn một lối thoát. Đó vừa là mong muốn không chỉ của những người đang ở đây mà còn là của người đã quá cố để xoa dịu một phần nỗi đau trong họ”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bích Vân (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN